Bày tỏ ấn tượng trước sự năng động,ẵnsàngchocuộcchơikhắcnghiệsos sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đánh giá cao môi trường và tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bà Pointer cho biết Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vươn ra tầm thế giới như đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Với việc quan hệ hai nước đã được nâng lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp Mỹ có thể giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn. Vì thế, bên cạnh Amazon, hàng hóa Việt Nam sắp tới còn có thể mở rộng qua các kênh phân phối khổng lồ tại Mỹ như Walmart, Costco…
Tuy nhiên, song hành sự hỗ trợ của Chính phủ để tiếp cận các kênh phân phối khổng lồ trên, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng tầm năng lực để phù hợp với những sân chơi lớn. Đó là điều kiện tiên quyết để phát triển lâu dài và vươn xa thông qua Amazon, Walmart, Costco… hay những mạng lưới phân phối khác.
Để làm được điều này, doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình hoạt động, tổ chức phân phối… Đó là những vấn đề đã được cảnh báo, nhắc nhở nhiều lần. Thế nhưng, thách thức chưa dừng lại ở đó mà các doanh nghiệp còn phải sẵn sàng cho những tiêu chuẩn đầy khắc nghiệt vốn gần như chưa từng tồn tại ở Việt Nam hay nhiều thị trường khác.
Mua hàng qua cả Amazon, Walmart hay Costco…, chúng ta mới thấy được sự chiều lòng khách hàng mà những công ty này áp dụng. Nhưng chính sự chiều lòng đó trở thành một thách thức lớn cho nhà cung cấp hàng hóa của những công ty này. Điển hình, ngay cả khi sử dụng thử, nhiều loại sản phẩm vẫn có thể được khách hàng trả lại mà gần như không cần lý do. Thậm chí, không ít loại thực phẩm cũng được áp dụng quy chế này. Theo tìm hiểu thực tế và chia sẻ của nhiều nhà cung cấp, chi phí và thiệt hại cho những vấn đề như vậy đều do nhà cung cấp, đơn vị bán hàng cho Amazon, Walmart, Costco… phải chịu. Đó là chưa kể chi phí thu hồi hàng hóa thì nhà cung cấp cũng phải gánh chịu.
Chính vì thế, không ít doanh nghiệp, có cả một số doanh nghiệp Việt Nam, đã phải "sốc" và "thiệt hại" nặng vì những "luật chơi" như vậy.
Nói thế không phải để chúng ta sợ khó rút lui, mà phải có sự chuẩn bị sẵn sàng, tính toán cẩn thận từ phát triển, cho đến định giá sản phẩm cũng như tăng cường hiệu quả của quy trình hoạt động, hậu cần, vận chuyển… Bởi vì tuy có nhiều thách thức và điều kiện khắc nghiệt, nhưng đó lại là những kênh phân phối có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng rộng lớn, phát triển thương hiệu nhanh chóng.
Thực tế, cũng có những sản phẩm Việt Nam đang tạo được tiếng vang, doanh số cao. Điển hình như một thương hiệu mũ bảo hiểm đến từ Việt Nam không chỉ đạt tiêu chuẩn cao được chứng nhận tại Mỹ, mà còn thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu về doanh số mũ bảo hiểm được bán ra ở Amazon, Walmart…
Chính vì thế, để vươn lên ở sân chơi rộng lớn từ những cơ hội trên, doanh nghiệp Việt Nam lại càng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng đối mặt nhiều thách thức.